Làm gì để xin thị thực đầu tư tại Úc đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Xin quý đọc giả theo dõi nội dung dưới đây.
Công ty TNHH Thương hiệu và Luật (BrandLaw) phối hợp với Sở Di trú tiểu bang Queensland (Úc) tổ chức hội thảo quốc tế “Môi trường và chính sách đầu tư doanh nghiệp tại bang Queensland, Úc” vào ngày 24/8 vừa qua tại TP.HCM.
Xuyên suốt buổi hội thảo là phần thuyết trình của các diễn giả khách mời về chính sách đầu tư tại nước Úc, giới thiệu về các lựa chọn thị thực để sinh sống và làm việc tại Úc; thêm vào đó là phần nội dung về pháp luật đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư ra nước ngoài thông qua phần trình bày của Thạc sĩ Luật Trần Đức Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Thương hiệu và Luật kiêm Chủ trì Hội thảo.
Queensland: Thủ phủ du lịch của nước Úc
Mở đầu nội dung chương trình là phần diễn thuyết của ông Greg McKean, Giám đốc Sở Di trú bang Queensland – Úc là người trực tiếp phê duyệt các hồ sơ đầu tư theo thị thực 188 (thị thực đầu tư doanh nghiệp) của bang Queensland. Nội dung trình bày của ông Greg chủ yếu xoay quanh về việc giới thiệu về bang Queensland và các thành phố trực thuộc như thủ phủ bang Brisbane, thành phố Gold Coast, Sunshine Coast.
Qua phần trình bày, chúng ta được biết rằng bang Queensland là một bang có hệ thống cơ sở hạ tầng – giao thông cực kỳ phát triển. Một điều quan trọng là thành phố Brisbane đã được chọn là nơi đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2032. Ông Greg cũng điểm qua một số lĩnh vực trọng điểm của bang Queensland như du lịch, giáo dục, chăn nuôi và năng lượng.
Về du lịch, bang Queensland được coi là thủ phủ du lịch của nước Úc với những điểm du lịch nổi tiếng như Gold Coast, Sunshine Coast,… Về giáo dục, bang Queensland tự hào khi có những trường Đại học với chất lượng hàng đầu như Đại học Griffith, Đại học Sunshine, Đại học Công nghệ Queensland,… Về chăn nuôi, bang Queensland đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi khi tỷ trọng của ngành chăn nuôi tại Queensland chiếm đến 50% tỷ trọng của nước Úc, sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng nhất mà chúng ta có thể biết đến là thịt bò khi xuất khẩu đi khắp các quốc gia trên thế giới.
Ông Greg McKean, Giám đốc Sở Di trú bang Queensland trình bày tại hội thảo.
Ngành năng lượng cũng là một ngành đang phát triển và được quan tâm đầu tư tại bang này khi Chính quyền Bang đang tập trung khai thác các dạng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, hydrogen,…. Các nhà đầu tư ngoài nước như Việt Nam cũng có thể tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực này cũng như Chính quyền Bang sẵn sàng hỗ trợ về các thủ tục và có những chính sách đãi ngộ phù hợp khuyến khích các nhà đầu tư bên ngoài.
Phần sau của bài diễn thuyết ông Greg có nhắc đến các lựa chọn thị thực cho các nhà đầu tư bao gồm Thị thực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (Visa 188A), Thị thực cho nhà đầu tư (188B), Thị thực cho nhà đầu tư đặc biệt (Visa 188C),…
Lựa chọn thị thực để sinh sống và làm việc tại Úc
Nối tiếp phần trình bày của ngài Greg là phần trình bày về “các lựa chọn về thị thực để sinh sống và làm việc tại Úc” của Luật sư Di trú Dan Jebsen, Công ty Luật DJ Law (Úc). Trong phần giới thiệu của mình, Luật sư Dan Jebsen đã nêu những lý do chính chọn Úc làm nơi đầu tư, sinh sống và học tập: Đó là Úc là nơi có những nhà sản xuất vàng, quặng sắt và uranium lớn nhất thế giới; là quốc gia có hàng hóa nông nghiệp lớn trên toàn cầu; là điểm đến phổ biến thứ ba trên thế giới dành cho sinh viên; thị trường du lịch quốc tế lớn thứ bảy; và có những công ty hàng đầu trong lĩnh vực quản lý đầu tư, với nhóm quỹ được quản lý lớn thứ sáu trên thế giới. Hiện Úc là quốc gia đang thiếu hụt lao động có kỹ năng (skill) thứ hai trên thế giới. Theo số liệu của Cục Thống kê Úc, có hơn 423.000 vị trí tuyển dụng.
Do vậy, Chính phủ Úc có chính sách cấp thị thực dành cho các cá nhân hoặc gia đình có kỹ năng muốn di cư lâu dài đến Úc để lấp đầy tình trạng thiếu hụt kỹ năng của Úc. Đó là các diện thị thực 189, 190, 491 and 191: Thị thực trong chương trình Di cư có tay nghề cao là điểm được kiểm tra và là thị thực thường trú độc lập, được Tiểu bang / Vùng lãnh thổ tài trợ hoặc gia đình bảo trợ. Danh sách nghề nghiệp có tay nghề cao xác định những nghề nghiệp nào đủ điều kiện để đăng ký thường trú nhân thông qua chương trình Di cư có tay nghề cao.
Thị thực gia đình cho phép các cặp đôi đã kết hôn hoặc trên thực tế (cùng hoặc khác giới) nhập cảnh và ở lại Úc với bạn đời của họ. Thị thực của Nhà tuyển dụng bảo trợ là diện thị thực Chính phủ Úc cung cấp thị thực cho các doanh nghiệp để tài trợ và sử dụng lao động có tay nghề cao đã được công nhận bằng cấp và kỹ năng hoặc kinh nghiệm trong các ngành nghề cụ thể được yêu cầu tại Úc. Luật sư Di trú Dan Jebsen cũng dành thời gian để làm rõ các diện thị thực đầu tư 188A, 188B và 188C.
Danh mục quỹ đầu tư theo diện 188B và 188C
Tiếp đến là bài trình bày của ông Edward Hewitt thuộc Quỹ Đầu tư Pindari Capital. Trong phần trình bày của mình, ông Edward Hewitt đã giới thiệu danh mục quỹ đầu tư theo diện 188B và 188C và các yêu cầu, quy trình đầu tư theo các danh mục này. Bao gồm các Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Vốn Pindari (‘PCBIF’), Quỹ Lợi Nhuận Đầu Tư Cân Bằng Vốn Pindari (‘PCBIYF’), Quỹ Đầu Tư Pindari Capital SIV Emerging Companies Fund (‘PCECF’), Quỹ đầu tư mạo hiểm SIV của Pindari và quỹ đầu tư tư nhân II (‘PCVCPEF II’).
Thông qua Quỹ Lợi Nhuận Đầu Tư Cân Bằng Vốn Pindari (‘PCBIYF’), Quỹ Đầu tư Pindari Capital sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cơ hội tiếp cận lợi nhuận từ một danh mục tài sản đa dạng của Úc, bao gồm một số hoặc tất cả: bất động sản thương mại tạo ra thu nhập của Úc, tài trợ nợ cho bất động sản thương mại của Úc, cổ phiếu niêm yết, trái phiếu doanh nghiệp Úc, quỹ đầu tư tín thác bất động sản được niêm yết của Úc, các Quỹ nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và tiền mặt. PCBIYF sẽ đầu tư với các nhà quản lý quỹ chất lượng cao thông qua quỹ hoặc tài khoản tách biệt theo các thỏa thuận quản lý đầu tư.
Quỹ Đầu Tư Pindari Capital SIV Emerging Companies Fund (‘PCECF’) là một quỹ tín thác chưa niêm yết, quỹ không hạn chế mở cho Khách hàng Bán buôn. Quỹ này được thành lập với mục tiêu đáp ứng các yếu tố của Diện thị thực Đầu Tư Trọng Yếu và Diện Nhà Đầu Tư. Quỹ này sẽ đầu tư vào các nhà quản lý quỹ chất lượng cao thông qua các quỹ được quản lý hoặc các thỏa thuận quản lý đầu tư. Quỹ này là một khoản đầu tư tuân thủ cho các mục đích của Đầu Tư Trọng Yếu.
Quy định đầu tư ra nước ngoài
Cũng trong buổi hội thảo, Thạc sĩ Trần Đức Hiệp đến từ Công ty TNHH Thương hiệu và Luật (BrandLaw) cũng trình bày về “Chính sách và quy định của Việt Nam đối với vấn đề đầu tư ra nước ngoài”.
Diễn giả cho biết, Nhà nước đặt ra những quy định rất nghiêm ngặt về đầu tư thông qua quy trình bốn bước: Phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với dự án đầu tư có quy mô lớn hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ), cấp Giấy phép đầu tư ra nước ngoài, mở tài khoản vốn đầu tư và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; Đặc biệt là quy định về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cũng như quy trình để một nhà đầu tư có thể tiến hành việc đầu tư tại một quốc gia khác ngoài Việt Nam.
Thông qua, chúng ta hiểu được rằng dù chủ trương của Nhà nước là khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhưng để tránh được những rủi ro đến từ chính nhà đầu tư cũng như nhằm tránh thất thoát nguồn tiền trong nước, Nhà nước cũng có những cơ chế kiểm soát nhất định tránh tình trạng đầu tư ồ ạt và thiếu kiểm soát.
Thạc sĩ Trần Đức Hiệp cho hay, trong thời gian sắp tới, Công ty BrandLaw tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tại Australia sẽ tổ chức chuyến tham quan thực tế tại bang Queensland cũng như tại các thành phố khác của Australia theo đề nghị của các yêu cầu của các doanh nghiệp tham dự hội thảo. Đồng thời cùng với các đối tác là các doanh nghiệp tư vấn của Úc cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp Việt trong việc chuẩn bị hồ sơ doanh nghiệp để đầu tư tại Queensland, Úc.
Nguyễn Bình
Theo Người đưa tin